Chinh phục Tề Chiến_tranh_thống_nhất_Trung_Hoa_của_Tần

Năm 264 TCN, Tề vương Kiến lên ngôi khi còn ít tuổi, thái hậu đứng ra nhiếp chính. Sau khi thái hậu mất, Hậu Thắng làm tướng quốc nước Tề, Hậu Thắng nhận nhiều của đút lót của Tần nên luôn chủ trương khuyên Tề vương hoà hiếu với Tần. Tề vương theo đuổi chính sách: "Sự Tần, cẩn" (kính cẩn phụng sự nước Tần), không chịu hưởng ứng những lần hợp tung do Tín Lăng quân, Bình Nguyên quânBàng Noãn phát động. Do đó, trong hơn 40 năm từ khi Tề vương Kiến lên ngôi, nước Tề được hưởng bình yên không hề có chiến tranh, dân nước Tề quen với cuộc sống yên ổn, không chú trọng rèn luyện võ nghệ.

Năm 221 TCN, sau khi Sở bị tiêu diệt, Tề là nước duy nhất còn lại chưa bị Tần chinh phục. Tề vương cùng Hậu Thắng lúc này mới lo lắng, điều quân sang trấn giữ phía Tây. Tần vương lấy cớ một lần Tề vương cự tuyệt sứ thần không tới gặp mặt để làm lý do tấn công Tề, gửi thư cho Vương Bí vừa mới diệt xong Yên và Đại ở phía Bắc tấn công thẳng vào Tề. Quân Tề 40 năm không tham chiến nên yếu ớt, sĩ khí cực thấp, dân chúng thì đã quen cảnh thanh bình, vừa thấy mấy chục vạn quân của Tần kéo tới là bỏ chạy hết. Quân Tần cứ thế kéo thẳng tới kinh đô Lâm Truy của Tề (nay là Truy Bác, Sơn Đông) mà hầu như không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào. Vương Bí và Lý Tín không phải động binh đã lấy được hết đất Sơn Đông. Tề vương Kiến không chống trả mà mang cả gia quyến ra hàng.[3] Nước Tề mất, Trung Hoa hoàn toàn thống nhất dưới trướng Tần vương.